Cấy que tránh thai là gì? Quy trình thực hiện như thế nào?
Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai mang lại hiệu quả cao và đã được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy, cấy que tránh thai hoạt động như thế nào? Quy trình thực hiện cấy que được thực hiện ra sao? Sau đây, Circa sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc về vấn đề trên.
Cấy que tránh thai là gì?
Cấy que tránh thai là phương pháp tránh thai dựa trên việc cấy một que nhỏ chứa hormone nhóm progesterone vào dưới da của phụ nữ. Que tránh thai sẽ giải phóng hormon ngừa thai vào cơ thể phụ nữ, giúp ngăn chặn sự thụ thai.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại que cấy tránh thai. Số lượng que cấy có thể từ 1- 6 que tùy loại:
- Norplant: 6 que, có tác dụng trong 5-7 năm.
- Jadelle, Sinoplant: 2 que, có tác dụng 5 năm.
- Implanon: 1 que, có tác dụng 3 năm.
Cơ chế hoạt động của que tránh thai
Que cấy tránh thai sẽ giải phóng đều đặn hormone progesterone vào cơ thể nữ giới, ngăn chặn việc rụng trứng mỗi tháng.
Que cấy tránh thai cũng làm dày chất nhầy cổ tử cung, khiến tinh trùng khó di chuyển qua cổ tử cung hơn. Đồng thời, que cũng làm mỏng niêm mạc tử cung nên trứng đã thụ tinh ít có khả năng tự làm tổ.
Thời điểm cấy que tránh thai
Ở phụ nữ chưa từng sinh con
Thời điểm cấy que tránh thai ở chị em phụ nữ chưa sinh con như sau:
- Đặt que cấy vào bất cứ lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt, trừ trường hợp nghi ngờ mang thai.
- Không cần sử dụng biện pháp tránh thai kèm theo nếu cấy que trong 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt.
- Nếu que cấy được đặt vào những ngày khác trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ cần sử dụng biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày nhằm tránh rủi ro.
Ở phụ nữ sau khi sinh con
Sau khi sinh con, nữ giới có thể cấy que thử vào các thời điểm sau:
- Có thể cấy que tránh thai bất cứ lúc nào sau khi sinh.
- Không cần sử dụng biện pháp tránh thai kèm theo nếu nó được cấy trước ngày thứ 21 sau sinh.
- Nếu que được cấy vào sau ngày thứ 21, bạn cần sử dụng biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày nhằm tránh rủi ro.
Sau khi sảy thai hoặc phá thai: Có thể cấy que tránh thai vào bất kỳ thời điểm nào sau khi sảy thai hoặc phá thai.
Quy trình cấy que diễn ra như thế nào?
Quy trình cấy que thường diễn ra như sau:
- Quá trình cấy que tránh thai bắt đầu bằng việc kiểm tra tình trạng sức khỏe của phụ nữ.
- Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc tê tại vùng da nơi que tránh thai sẽ được cấy.
- Đợi khi vùng da được gây tê xong, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ/thiết bị nhỏ để đưa que vào dưới da của phụ nữ. Quá trình này chỉ mất khoảng vài phút và có cảm giác như đang tiêm thuốc và cũng không cần thực hiện khâu lại sau khi cấy ghép.
Que tránh thai sau khi được cấy vẫn có thể tháo ra bất cứ lúc nào, tuy nhiên, quá trình này phải được thực hiện bởi bác sĩ, y tá có chuyên môn. Bác sĩ hoặc y tá sẽ rạch một đường nhỏ trên da và nhẹ nhàng rút que cấy ra. Thông thường, quá trình lấy que cấy ra khỏi cơ thể chỉ mất vài phút. Và nữ giới sẽ có khả năng mang thai bình thường sau khi que được lấy ra.
Ai có thể cấy que tránh thai?
Phương pháp cấy que tránh thai có thể áp dụng cho hầu hết các phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Tuy nhiên, chị em phụ nữ vẫn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể theo tình trạng sức khỏe trước khi thực hiện cấy que tránh thai. Một số trường hợp sau đây không nên thực hiện cấy que:
- Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
- Phụ nữ đang điều trị bằng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc cấy que như: Thuốc điều trị HIV, lao, động kinh phenytoin, carbamazepine, barbiturates hay primidone, một số thuốc kháng sinh như rifabutin, rifampicin, griseofulvin,… Các loại thuốc này sẽ làm giảm hiệu quả ngừa thai.
- Nữ giới bị chảy máu không rõ nguyên nhân giữa kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục.
- Nữ giới có tiền sử bệnh tim, đột quỵ, bệnh động mạch, bệnh huyết khối.
- Phụ nữ mắc bệnh gan.
- Phụ nữ có tiền sử hoặc nghi ngờ ung thư vú.
- Phụ nữ đang cho trẻ bú dưới 6 tuần sau sinh.
Cấy que tránh thai có an toàn không?
Cấy que tránh thai được xem là phương pháp ngừa thai an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, giống như các phương pháp tránh thai khác, vẫn có trường hợp mang thai ngoài ý muốn dù đã cấy que tránh thai, nhưng tần suất rất hiếm xảy ra.
Ngoài ra, cấy que tránh thai cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn trong và sau quá trình cấy que như:
- Chảy máu âm đạo.
- Đau đầu, buồn nôn.
- Chảy máu ngoài kỳ kinh nguyệt.
- Tăng cân.
- Một số trường hợp, vị trí da nơi cấy que có thể bị nhiễm trùng.
Những lưu ý khi thực hiện cấy que tránh thai
Trước khi quyết định sử dụng que tránh thai, chị em phụ nữ nên thảo luận với bác sĩ để biết rõ về các lợi ích và rủi ro của phương pháp này.
Đồng thời, trong quá trình sử dụng que tránh thai, phải tuân thủ đầy đủ các chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này.
Quan trọng hơn hết, việc cấy và tháo que tránh thai ra khỏi cơ thể phải được thực hiện bởi bác sĩ, y tá có chuyên môn.
Cấy que tránh thai bao nhiêu tiền? Thực hiện ở đâu?
Tại Việt Nam hiện nay, chi phí phương pháp cấy que tránh thai dao động từ 1.500.000 VNĐ – 4.000.000 VNĐ. Bạn đọc lưu ý, mức giá trên chỉ mang tính tham khảo. Giá thực tế có thể thay đổi, tùy thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như:
- Sự biến động giá que cấy ở thời điểm hiện tại.
- Phân loại và chất lượng của que cấy
- Kinh nghiệm, tay nghề của bác sĩ thực hiện
- Sự uy tín, thương hiệu của cơ sở y tế thực hiện.
Bên cạnh đó, chị em phụ nữ nên thực hiện việc cấy que tránh thai tại các bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế Sản Phụ khoa, có độ uy tín cao. Một số tiêu chí đánh giá độ uy tín của các cơ sở thực hiện cấy que tránh thai như sau:
- Những đơn vị có thương hiệu được khách hàng tin tưởng ủng hộ, phản hồi tích cực trong lĩnh vực Sản Phụ khoa
- Đơn vị y tế có cơ sở vật chất và trang thiết bị tiên tiến.
- Cơ sở y tế có đội ngũ y bác sĩ lành nghề, nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật tốt.
Circa mong rằng bài viết trên đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc về phương pháp cấy que tránh thai. Từ đó có thể giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn phương pháp tránh thai an toàn và đạt hiệu quả cao.